Thông cáo Báo Chí sự kiện Gió Đầu Mùa 2

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngày 18 tháng 12 năm 2021

Chương trình giao lưu, trải nghiệm và giáo dục nghệ thuật trực tuyến

Gió đầu mùa – Khơi miền sáng tạo lần 2 đã chính thức bắt đầu.

Hôm nay, chương trình giao lưu, trải nghiệm và giáo dục nghệ thuật Gió đầu mùa – Khơi miền sáng tạo do trường Liên cấp SenTia tổ chức lần hai đã chính thức bắt đầu.

Diễn ra trong hai tuần, từ ngày 17-26 tháng 12 năm 2021, Gió đầu mùa 2 là chuỗi các hoạt động nghệ thuật hướng tới cộng đồng, với đối tượng là các em học sinh, các bậc phụ huynh và những người yêu nghệ thuật.

Với chủ đề Cũ & Mới, Gió đầu mùa 2 không chỉ góp phần tôn vinh và phát huy các giá trị của nghệ thuật nói chung, mà thông qua những cách ‘làm mới’ để giúp các em học sinh, các bậc phụ huynh và những người yêu nghệ thuật được trải nghiệm, làm quen và tới gần hơn với những loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua các ứng dựng mới, mang tính thực tiễn cao, gần gũi với cuộc sống hiện đại ngày nay.

Chương trình sẽ diễn ra trong các ngày cuối tuần, 17-19 và 24 -26 tháng 12 với 5 workshop âm nhạc, 9 workshop mỹ thuật và 2 takshow chia sẻ từ chính các nghệ sĩ hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực âm nhạc và mỹ thuật.

Sôi nổi với các sắc màu âm nhạc trong tuần đầu tiên

Cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Lần đầu tiên âm nhạc ngũ cung được giới thiệu tại Gió đầu mùa, đưa âm nhạc ngũ cung tới gần hơn với đối tượng trẻ, giới thiệu và đưa vào ứng dụng trong cuộc sống hiện đại một cách rất gần gũi.

Có mặt từ những năm 560 trước công nguyên, thang âm ngũ cung là thanh âm thuần khiết nhất của loại người. Theo suốt chiều dài của lịch sử, các học giả đã tiến hành nghiên cứu và nhiều bộ óc vĩ đại đã đi đến kết luận chung về tác dụng của các thang âm ngũ cung đối với tâm trí, cơ thể và tâm hồn con người. Mang tới không gian trải nghiệm với các bài hát ngũ cung, người tham gia workshop Nâng Niu “Thanh nhạc – Âm nhạc ngũ cung” đã có thể cảm cảm nhận về âm nhạc ngũ cung – một thang âm nuôi dưỡng tâm hồn, giúp bản thân cảm nhận được sự bình yên, thả lỏng và kết nối yêu thương, cũng như kết nối với cảm xúc bên trong của chính mình.

Mang tính định hướng và giáo dục trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, workshop Nhịp điệu đôi bàn tay đã thu hút được sự tham gia của của rất nhiều giáo viên mầm non, đặc biệt phụ huynh có con ở độ tuổi nhỏ. Phối hợp âm nhạc với việc kết hợp sử dụng đôi bàn tay vào kể chuyện là kỹ năng mà người tham gia workshop được trải nghiệm để sáng tạo nên rất nhiều trò chơi từ đôi bàn tay, thực hành cách vận dụng âm nhạc và đôi tay để mang đến cho trẻ những câu chuyện kể, những “món quà” từ tình yêu thương.

Du học chuyên ngành nghệ thuật đã bắt đầu trở nên phổ biến những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn là một lĩnh vực khá mới và chưa có nhiều thông tin hay những kinh nghiệm từ những người đi trước. Hướng tới các em học sinh và bậc phụ huynh có con ở độ tuổi lớn hơn, lần đầu tiên một talkshow chuyên về du học âm nhạc được thực hiện trong Gió đầu mùa đã giúp rút ngắn thời gian tìm hiểu thông tin cũng như mang đến cơ hội hỏi đáp trực tiếp với hai chuyên gia và nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh âm nhạc hiện nay: TS. Nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên – Trưởng khoa Piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nghệ sĩ piano Nguyễn Đức Anh – Trưởng Khoa Piano của Soul Music & Performing Arts Academy.

Tham gia – Thực hành – Trải nghiệm nghệ thuật với các chuyên gia và nghệ sĩ hàng đầu với ba mảng âm nhạc chính Piano, Guitar và thanh nhạc là một nội dung mới mà Gió đầu mùa giới thiệu tới những người yêu nghệ thuật trong lần thứ 2 tổ chức và ngay trong tuần đầu tiên, workshop Ngẫu hứng trong thanh nhạc với ca sỹ Khánh Linh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ với với những kỹ năng và bí quyết hát hay để hay hát từ ca sỹ Khánh Linh. “Một workshop rất hữu ích. Hát với em là sở thích, tuy nhiên, để có được những ‘tip’ về kỹ thuật từ những ca sỹ chuyên nghiệp, như ca sỹ Khánh Linh là cơ hội không phải lúc nào cũng có.”  – chia sẻ từ một người đăng ký tham gia workshop.

Nghệ thuật truyền thống trong hơi thở của hiện đại

Kiên định với niềm tin giáo dục nghệ thuật đa dạng ngay từ thời niên thiếu cũng là cách giúp mỗi người tiếp nhận được đầy đủ nhiều loại hình nghệ thuật, để luôn có sự cân bằng, giữa việc tiếp thu và làm quen với các loại hình nghệ thuật dân gian hay hiện đại trong dòng chảy hội nhập. Bên cạnh âm nhạc, mỹ thuật là nội dung cùng song hành và không thể tách rời trong Gió đầu mùa.

Với mong muốn giúp lưu giữ và lan tỏa những những giá trị văn hóa truyền thống chứa đựng tâm hồn, văn hóa và con người của mỗi dân tộc, tham gia Gió đầu mùa, người yêu nghệ thuật sẽ được tìm hiểu và tự mình tạo nên những sản phẩm mang đậm nét truyền thống.

Workshop Ghép vải vụn – Mảnh ghép dân gian được thực hiện bởi những nghệ nhân của hợp tác xã Vụn Art, nơi làm việc của những người khuyết tật với đa dạng tật. Với đối tượng tham gia là các em học sinh ở bậc tiểu học, workshop không chỉ giới thiệu và giúp bảo tồn những nét đẹp văn hóa trong các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống hay Làng Sình. Việc được tự trải nghiệm và thực hiện các sản phẩm ghép lụa là một bức tranh hoàn thiện để trang trí cho ngôi nhà mình, giúp các em học sinh không chỉ hiểu về phân bổ, bố cục màu sắc trong các dòng tranh dân gian Việt Nam mà còn chứa đựng thông điệp xanh về việc bảo vệ môi trường hay sự rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ khi ghép tranh, qua đó học cách chia sẻ với những người khuyết tật thông qua công việc mà họ đang theo đuổi.

Đa dạng từ chất liệu cho tới hình thức thực hiện, các workshop mỹ thuật trong Gió đầu mùa 2 được hướng dẫn và giới thiệu bởi những nghệ sĩ và nghệ nhân hàng đầu như Họa sĩ Vũ Kim Thư với nghệ thuật giấy dó; Điêu khắc gia Thái Nhật Minh với chất liệu giấy bồi hay đến với nghệ thuật in khắc của nghệ sĩ Phạm Khắc Quang,…. Với nhiều khung giờ khác nhau trong các ngày cuối tuần diễn ra chương trình, Gió đầu mùa – Khơi miền sáng tạo giúp mang lại cơ hội trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật, phù hợp với nhiều lứa tuổi bao gồm: Ghép tranh lụa, Điêu khắc giấy bồi, In khắc nổi, Làm đèn thủ công từ giấy dó hay trải nghiệm với màu nước …

Trong hoạt động workshop mỹ thuật của tuần một, người tham gia cũng sẽ có được thời gian ý nghĩa với một kỹ thuật khá mới, nghệ thuật điêu khắc giấy bồi.

Không chỉ các nghệ sĩ, nghệ nhân mới tạo ra các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Bất cứ ai cũng có thể tạo nên một sản phẩm của chính mình từ nguyên liệu thân thuộc – giấy báo cũ. Biến những mảnh giấy bồi vô tri thành hình thù của những loài vật quen thuộc với cuộc sống hàng ngày như con chó, con mèo, con heo,… là hoạt động làm quen với điêu khắc mà nghệ sĩ Thái Nhật Minh hướng dẫn thực hiện và trải nghiệm tại workshop Tạo hình với giấy bồi – Hồi sinh giấy cũ thành muông thú. Điêu khắc không chỉ là nặn đất, khắc gỗ mà còn là cách để biến những nguyên liệu quen thuộc thành tác phẩm nghệ thuật.

Đa dạng hoạt động Giao lưu – Trải nghiệm – Kết nối

Bên cạnh các hoạt động giao lưu, trải nghiệm thì yếu tố kết nối của chương trình được thể hiện trọn vẹn thông qua sự tham gia của các gian hàng hội chợ thủ công chuẩn “xanh”. Nghệ thuật ứng dụng vào cuộc sống sẽ được giới thiệu thông qua thế giới các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, các sản phẩm đi theo phong cách sống tối giản, vì môi trường, hướng đến cộng đồng và sống xanh bền vững.

Các gian hàng tham gia Gió đầu mùa 2 đa dạng cả về loại hình sản phẩm cho tới vị trí địa lý. Bên cạnh những gian hàng đã gắn bó với Gió đầu mùa lần đầu tiên, thì tới lần 2 những gian hàng mới tham gia cũng đã làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm. Tham quan mua sắm tại các gian hàng thủ công online tại https://giodaumua2.sentiaschool.edu.vn/ và cùng tìm hiểu về những câu chuyện ý nghĩa đằng sau mỗi thương hiệu về nỗ lực bảo tồn cũng như để giới thiệu các sản phẩm chuẩn xanh, vì môi trường tới gần hơn với cộng đồng.

Gió đầu mùa sẽ tiếp tục với nhiều hoạt động nghệ thuật đa dạng, mang đến cơ hội giao lưu và trải nghiệm nghệ thuật trực tuyến ngay cả trong thời kỳ giãn cách.

 

Thông tin liên hệ

Lê Mai Hạnh

Trưởng phòng PR-Marketing

Trường Liên cấp SenTia

Email: maihanh@sentiaschool.edu.vn

Mobile: 0905575866

Website: https://sentiaschool.edu.vn/