Hình học không gian hay sự mô phỏng thế giới bằng toán học

Học Toán để làm gì?

Toán học có ứng dụng gì trong cuộc sống?

Tại sao Toán lại Khó – Khô – Khổ như vậy?

Tại sao con phải học cái này?

…………………..

Đây có lẽ là câu hỏi của rất nhiều học sinh, phụ huynh và thậm chí một số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Toán.

Học toán có thực sự khô khan?

Sau nhiều năm tham gia các hoạt động giáo dục tại SenTia, các thầy cô nhận thấy học sinh Việt Nam không hề ghét Toán, sợ Toán. Chính cách giảng dạy Toán học khô khan và máy móc, tập trung rèn luyện kĩ năng làm toán nhiều hơn là phát triển tư duy nền tảng đã hình thành nỗi sợ trong học sinh.

Mang theo khát vọng giúp học sinh tiếp nhận Toán một cách tự nhiên, kích thích tình yêu toán học và phát triển tư duy cho học sinh, từ đó tạo nền tảng để học sinh học tập tốt các môn học nói chung, ở SenTia các thầy cô đã luôn tìm tòi nhiều cách để Toán học tiến gần với thực tiễn, tổ chức các hoạt động trải nghiệm để học sinh ứng dụng tư duy toán học vào giải quyết một số tình huống có nội dung thực tiễn.

Học sinh SenTia được học toán với những trải nghiệm thực tế 

Để học sinh có cơ hội “chạm vào Toán học”, được “đưa những kiến thức mình được học và cuộc sống” và được “kết hợp kiến thức liên môn vào giải quyết vấn đề”, SenTia luôn chú trọng “Dạy học môn Toán thông qua hoạt động giáo dục Stem”.

Thông qua “Hoạt động giáo dục STEM”, học sinh được liên kết các kiến thức khoa học, toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. HS được tiếp cận và sử dụng công nghệ để xây dựng quy trình và thực hiện chế tạo sản phẩm. Đồng thời, HS được được phát triển tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng hợp tác để thành công, …

Trong bài viết này, chúng tôi trình bày một dự án học tập Stem với chủ đề “Hình học không gian hay sự mô phỏng thế giới bằng Toán học” của học sinh khối lớp 8. Thay vì học thuộc các đặc điểm của các khối hình (hình hộp chữ nhật, hình lập phương, hình chóp tam giác đều, …) sau đó giải các bài Toán khô khan và học búa. Học sinh của SenTia sẽ được thực hiện dự án làm các sản phẩm có dạng các khối hình đã học và trực tiếp bán các sản phẩm trong các sự kiện của SenTia.

Học sinh được trải nghiệm làm sản phẩm thực tế 

Dưới sự hướng dẫn của cô Hồng Vân và cô Thu Hà, chỉ với 6 tiết học tập tại lớp và phòng CLB mộc, cùng với hoạt động chuẩn bị và thảo luận ở nhà, các bạn HS sẽ phải tự nghiên cứu tài liệu, thảo luận để hoàn thành được các nhiệm vụ của dự án:

+ Mô tả được các đặc điểm của các khối hình;

+ Tính được diện tích xung quanh và thể tích của các khối hình;

+ Vẽ phác thảo và bảo vệ được ý tưởng thiết kế sản phẩm;

+ Mô tả được cấu tạo và chức năng của sản phẩm;

+ Thiết kế được bản vẽ của sản phẩm;

+ Chế tạo được sản phẩm dựa trên bản vẽ;

+ Sử dụng các công cụ gia công cơ bản: Súng bắn keo, keo dán, pin, dây điện, …

Sau khi các nhóm có được ý tưởng thiết kế sản phẩm, các nhóm sẽ trình bày với giáo viên giảng dạy và khi ý tưởng được duyệt các nhóm cần đề xuất vật tư để chế tạo. Vật liệu sẽ được nhà trường cho vay, sản phẩm sẽ được bán trong các sự kiện của SenTia và phần vốn sẽ được hoàn trả cho nhà trường. Điều này đã giúp học sinh có những kiến thức nhất định về tài chính (giá vốn, giá bán, lãi suất, …), có ý thức sử dụng các vật liệu có thể tái chế hoặc vật liệu có sẵn ở nhà. Từ đó tăng tính sáng tạo cho học sinh.

Sản phẩm từ hoạt động Stem được học sinh chuẩn bị cho sự kiện Trung thu

Thông qua hoạt động giáo dục Stem, học sinh được khuyến khích thực hiện các cuộc thử nghiệm. Từ các thử nghiệm, học sinh thực hiện những điều chỉnh sản phẩm, từ đó tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần, tìm ra cái mới, cách giải quyết vấn đề mới.

Bài viết của Thầy Hữu Hải (Tổ trưởng tổ Toán & Trưởng nhóm KHTN cấp THCS-THPT)